0939.13.13.16     luattovang@gmail.com

Giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế

Trong một thế giới phẳng, trước sự chuyển dịch tư duy hợp tác-hội nhập kinh tế, các hợp đồng thương mại quốc tế ngày càng phổ biến kèm theo đó là những tranh chấp liên quan. Vậy hướng giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế nào là tối ưu nhất?

Các dạng tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế phổ biến

+ Tranh chấp từ việc thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng thương mại quốc tế bao gồm:

+ Tranh chấp từ nghĩa vụ giao hàng của người bán: Giao hàng không đúng địa điểm, thời điểm theo thỏa thuận, hàng hóa không phù hợp với hợp đồng,….

+ Tranh chấp phát sinh do bên mua vi phạm: Bên mua không nhận hàng theo thoả thuận và không thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng, bên mua nhận hàng chậm, không trả tiền khi nhận hàng, vi phạm nghĩa vụ thanh toán hàng trong một khoảng thời gian hợp lý khiến bên bán bị thiệt hại,…

+ Tranh chấp phát sinh liên quan đến vận chuyển hàng hóa: Người chuyên chở khiếu nại một trong hai bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa về vấn đề chậm thực hiện trả tiền, giao hàng thiếu vận đơn, không cung cấp phương tiên kịp thời,….

+ Tranh chấp liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng

+ Tranh chấp liên quan đến hình thức hợp đồng

+ Tranh chấp về vấn đề chuyển rủi ro trong hợp đồng

+ Các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận tải quốc tế: Tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hành khách và hành lý, tranh chấp liên quan đến vận đơn đường biển,…

Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế

Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải

Hình thức hòa giải bao gồm hai hình thức như sau:

+ Tự hòa giải: Việc tổ chức và giám sát do các bên tự quy định không có sự trợ giúp của bất kỳ tổ chức hoặc người hòa giải thứ ba nào

+ Hòa giải quy chế: Do một tổ chức, hoặc một trung tâm hòa giải chuyên nghiệp thực hiện, các bên phải tuân theo những quy tắc hòa giải riêng của tổ chức hòa giải đó.

Về mặt pháp lý, quyết định của hòa giải viên không có hiệu lực bắt buộc thi hành và chỉ mang tính chất khuyến nghị. Tuy nhiên, các bên có thể quy định trong thỏa thuận một điều khoản về việc đảm bảo trách nhiệm thi hành đúng theo kết quả hòa giải của hòa giải viên.

Phương thức hòa giải mang tính hữu nghị cao, đem đến sự hợp tác lâu dài giữa các đối tác, đồng thời bảo toàn được bí mật kinh doanh, quá trình làm việc của hai bên. Nguyên tắc hòa giải mang tính tự do ý chí, đảm bảo tính khách quan, tôn trọng tập quán thương mại.

Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án

+ Đây là hình thức giải quyết mang tính cưỡng chế cao nhất, được tiến hành thông qua  hoạt động của cơ quan tài phán. Bản án, quyết định của Tòa án được đảm bảo thi hành theo đúng quy định pháp luật.

+ Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo thi hành án như kê biên tài sản đang tranh chấp, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng,…

+ Đương sự có thể tiến hành kháng cáo, yêu cầu xét xử lại nếu thấy phán quyết của Tòa không thỏa đáng.

Thủ tục giải quyết căn cứ theo Điều 683 Bộ luật dân sự 2015, theo đó:

+ Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.

+ Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. Do đó, khi có tranh chấp, Tòa án sẽ xác định dựa vào luật mà các bên thỏa thuận áp dụng.

+ Mức án phí xác định theo Danh mục mức án phí, lệ án phí được quy định tại Nghị quyết 326/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thường phức tạp, lâu dài và không có tính bảo mật thông tin cao. Các bên nên cân nhắc để chọn lựa giải pháp tốt ưu nhất cho doanh nghiệp mình.

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Căn cứ theo Điều 5 luật trọng tài thương mại 2010, điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài gồm:

+ Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài.

+ Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

Khi đã có đủ các điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng TTTM như có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực… thì các bên thực hiện các bước theo trình tự tố tụng trọng tài.

  1. Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo
  2. Bị đơn nộp bản tự bảo vệ (theo Điều 35 Luật TTTM 2010)
  3. Thành lập Hội đồng trọng tài
  4. Hòa giải (theo Điều 58 Luật TTTM 2010)
  5. Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp (theo Điều 55 Luật TTTM 2010)
  6. Hội đồng trọng tài ra phán quyết

Ưu điểm của cơ quan trọng tài là tính bảo mật thông tin cao cũng như tính linh động, tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục tố tụng cho các bên.

Hãy liên hệ với Luật Tô Vàng ngay bây giờ để trò chuyện với luật sư của chúng tôi nếu các thông tin trên chưa giải đáp được vấn đề của quý khách đang gặp phải. Chúng tôi sẽ lắng nghe những vấn đề pháp lý mà quý khách hàng đang đối mặt và cung cấp những lời khuyên đáng tin cậy và chính xác. Luật Tô Vàng - Luật sư Cần Thơ - Dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp.