0939.13.13.16     luattovang@gmail.com

Hợp đồng tình yêu có hiệu lực pháp luật hay không?

Chào Luật sư. Tôi có giao kết "Hợp đồng tình yêu" với một người đàn ông trong 5 năm và điều khoản có nêu về trách nhiệm chăm sóc tinh thần và vật chất giữa hai bên. Trong Hợp đồng có thỏa thuận về chăm sóc tinh thần và vật chất, được trao đổi qua tin nhắn Zalo và mail. Vậy Luật sư cho tôi hỏi Hợp đồng này là hợp pháp hay trái luật?

Hiện nay, pháp luật không quy định rõ về loại “Hợp đồng tình yêu” hay “Hợp đồng tình ái”, về nguyên tắc “Hợp đồng tình yêu”  được lập thành văn bản thỏa thuận những quyền, lợi ích, trách nhiệm của 02 bên trong mối quan hệ tình cảm. Do đó, “Hợp đồng tình yêu” được hiểu là giao dịch dân sự.

Hợp đồng là “sự thỏa thuận của các bên” tham gia vào quan hệ hợp đồng và là một hình thức của giao dịch dân sự, có những điều khoản quy định về việc “xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Theo đó, tại Điều 116 Bộ Luật dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Bên cạnh đó, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể và có hiệu lực khi có đủ 03 điều kiện sau:

+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Hợp đồng tình yêu là một giao dịch dân sự, pháp luật không có quy định về việc cấm các chủ thể lập Hợp đồng tình yêu nhưng hợp đồng tình yêu sẽ vô hiệu trong các trường hợp sau:

+ Hợp đồng được lập dựa trên tình thần không tự nguyện;

+ Chủ thể tham gia hợp đồng không có năng lực hành vi, năng lực pháp luật dân sự, người chưa thành niên hoặc người có khó khăn trong việc nhận thức khi giao kết hợp đồng;

+ Nội dung, điều khoản của hợp đồng trái với quy định pháp luật, trái với đạo đức xã hội;

+ Hợp đồng giả tạo, cưỡng ép, đe dọa.

Như vậy, đối với "Hợp đồng tình yêu" pháp luật Việt Nam không có quy định cấm và vẫn áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, "Hợp đồng tình yêu" có giá trị pháp lý hay không phụ thuộc vào nội dung và hình thức của hợp đồng, nếu trong điều khoản của Hợp đồng tình yêu mang tính chất trao đổi lợi ích vật chất để quan hệ tình dục (giao cấu) thì đó có thể được xem là hành vi mua bán dâm.

Trường hợp của bạn chỉ cung cấp thông tin rằng “Hợp đồng có thỏa thuận về chăm sóc tinh thần và vật chất, được trao đổi qua tin nhắn Zalo và mail” nên chúng tôi không nắm rõ được rằng cụ thể những điều khoản cụ thể thỏa thuận những gì. Vì vậy, chúng tôi đưa ra thêm những giả định dưới đây giúp bạn tham khảo để tránh trường hợp vi phạm pháp luật.

Giả định Hợp đồng có điều khoản thỏa thuận về việc trao đổi vật chất, thời gian, tinh thần nhằm mục đích quan hệ tình dục (giao cấu):

Hợp đồng khi có điều khoản thỏa thuận về việc trao đổi vật chất, thời gian, tinh thần nhằm mục đích quan hệ tình dục (giao cấu) là có dấu hiệu thể hiện hành vi mua – bán dâm được quy định tại Điều 3, Điều 4 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 và Nghị định 167/2013 NĐ-CP  thì hành vi mua dâm, bán dâm là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy từng trường hợp mà người mua dâm, bán dâm có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính: “phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm”,”phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bán dâm” hoặc chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi này.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự 2015, giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Vì vậy, có thể thấy "Hợp đồng tình yêu" mà bạn đã giao kết được hiểu là giao dịch dân sự và được giao kết dựa theo sự thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên, nếu điều khoản trong "Hợp đồng tình yêu"  của bạn cho thấy các bên thỏa thuận về việc trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác để tiến hành quan hệ tình dục (giao cấu) thì không được pháp luật công nhận và được xem hành vi vi phạm pháp luật, trong trường hợp đó, bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Nếu “Hợp đồng tình yêu” giữa bạn và người đàn ông không thuộc các trường hợp hợp đồng vô hiệu và điều khoản hợp đồng không thể hiện việc mua – bán dâm thì Hợp đồng tình yêu của bạn không vi phạm pháp luật.

Hãy liên hệ với Luật Tô Vàng ngay bây giờ để trò chuyện với luật sư của chúng tôi nếu các thông tin trên chưa giải đáp được vấn đề của quý khách đang gặp phải. Chúng tôi sẽ lắng nghe những vấn đề pháp lý mà quý khách hàng đang đối mặt và cung cấp những lời khuyên đáng tin cậy và chính xác. Luật Tô Vàng - Luật sư Cần Thơ - Dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp.